Chi tiết tin tức
30/10/2016
Triển khai hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, khảo thí, cấp chứng chỉ tiếng Anh & tin học Quốc tế

Ngày 28/10/2016, Hội thảo “Triển khai đào tạo Tiếng Anh – Tin học theo chuẩn Quốc tế” và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đào tạo, khảo thí, cấp chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh và Tin học tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Hội thảo “Triển khai đào tạo Tiếng Anh – Tin học theo chuẩn Quốc tế”

Tham dự lễ ký kết, có ông Đặng Ngọc Quân – Phó Trưởng ban Quản lý Nguồn nhân lực Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có TS Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; các đồng chí trong Ban giám hiệu, cán bộ, giảng viên và hơn 300 HSSV đại diện. Về phía Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam có ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch IIG Việt Nam và các chuyên viên đại diện.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là trường Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập theo quyết định số 27/NT ngày 19 tháng 1 năm 1967 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, ngày 04/6/2015 Trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội theo Quyết số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở tổ chức lại trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt may-Thời trang Hà Nội. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ban giám hiệu nhà trường đã có những chủ trương, phương pháp đào tạo mới, trong đó phải kể đến việc triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động dạy và học. Đây được xem là một trong những giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như vị thế của trường trên cả nước. 

Theo đó, ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội lựa chọn Chứng chỉ  Tin học Quốc tế IC3 (The internet and Computing Core Certification) và  chứng chỉ tiếng Anh Quốc tế TOEIC để đánh giá chuẩn đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp. Đây được xem là một quyết định  chính xác của ban giám hiệu nhà trường, bởi lẽ trong bối cảnh Việt Nam tham gia AEC và TPP, thị trường lao động trong nước sẽ có những chuyển biến đáng kể về nguồn lực và các tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự. Đặc biệt, trong công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông số 2819/BTTTT-CNTT đã công nhận bài thi IC3 đạt chuẩn kĩ năng sử dụng CNTT, do đó, điều này đã một lần nữa khẳng định định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo nhà trường. 

Sau quá trình lựa chọn đối tác kỹ lưỡng, ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội lựa chọn IIG Việt Nam, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục,  đại diện chính thức và duy nhất tại Việt Nam của Tập Đoàn Khảo Thí hàng đầu Thế giới Certiport (Hoa Kỳ) và Viên Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS). Từ đó, hai bên đi đến thống nhất nội dung của Lễ ký kết như sau: 

Trong lĩnh vực Tin học:

– Hai bên phối hợp xây dựng nội dung đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, công bố áp dụng chuẩn Tin học quốc tế IC3 theo lộ trình tương ứng với từng bậc học cho sinh viên.

– IIG Việt Nam cung cấp phần mềm ôn luyện Gmetrix, phần mềm thi IC3, TOEIC cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội , hỗ trợ giảm giá và theo lộ trình hai bên cùng thống nhất.

– IIG Việt Nam cung cấp tài liệu giảng dạy chương trình tin học IC3 để trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đưa vào giảng dạy, nhằm đạt kết quả tốt nhất trong việc chuẩn hóa cho đội ngũ sinh viên.

– IIG Việt Nam và trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp tổ chức thi các bài thi IC3 cho đối tượng là cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

– Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hợp tác với IIG Việt Nam trong việc tập huấn đội ngũ chuyên gia, giảng viên giảng dạy trong các chương trình đào tạo nói trên. 

Trong lĩnh vực Ngoại ngữ:

– IIG Việt Nam hỗ trợ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong việc xây dựng và tiến tới công bố áp chuẩn đầu ra tiếng Anh bằng bài thi TOEIC cho toàn bộ sinh viên cao đẳng, đại học của trường;

– IIG Việt Nam sẽ kết hợp cùng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức thi phân loại đầu vào để xếp lớp đào tạo cho sinh viên bằng bài thi TOEIC.

– IIG Việt Nam cung cấp chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến ED (English Discoveries) để trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội kết hợp trong việc đào tạo tiếng Anh.

– IIG Việt Nam và trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp tổ chức thi các bài thi TOEIC cho đối tượng là cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, của trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hợp tác với IIG Việt Nam trong việc tập huấn đội ngũ chuyên gia, giảng viên giảng dạy trong các chương trình đào tạo nói trên.

TS Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư đảng ủy, Hiệu trường nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư đảng ủy, Hiệu trường nhà trường cho rằng tiếng Anh và Tin học là hai kỹ năng toàn cầu không thể thiếu đối với mọi sinh viên khi tham gia thị trường lao động có tính hội nhập cao như hiện nay. Là một cơ sở đào tạo theo định hướng ứng dụng, bên cạnh đào tạo kỹ năng chuyên môn cho sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và Tin học nhằm tạo cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để hội nhập nhanh và hiệu quả vào thị trường lao động quốc tế. Với phương châm đó, Nhà trường đã xúc tiến hợp tác đào tạo với IIG Việt Nam  để tổ chức Hội thảo “Triển khai đào tạo tiếng Anh – Tin học theo chuẩn Quốc tế”.

Ảnh Ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch IIG Việt Nam trình bày tầm quan trọng của tiếng Anh và Tin học hiện nay : Thực trạng và giải pháp.

Về phía Đại diện IIG Việt Nam, ông Đoàn Hồng Nam cho rằng lễ ký kết là một bước tiến lớn trong việc hợp tác giữa hai bên, thể hiện “quyết tâm đổi mới của Ban Giám Hiệu nhà trường trong việc áp chuẩn các mô hình giáo dục tiên tiến nhất của thế giới vào quy trình dạy và học. Với việc sử dụng bài thi TOEIC & IC3 được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, sinh viên của nhà trường hoàn toàn có thể tự tin đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về Tiếng Anh & CNTT của thị trường lao động trong nước và thế giới.”Ông Nam cũng cho biết, với việc nghiên cứu và thiết kế những giải pháp chuyên biệt dành riêng cho ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, IIG Việt Nam tự tin đồng hành cùng ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong việc thực hiện các nội dung hợp tác đã đề ra một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, kịp thời đáp ứng xu hướng giáo dục: lấy ngoại ngữ và tin học làm mũi nhọn phát triển giáo dục trong thời kì hội nhập.

Ông Đặng Ngọc Quân – Phó trưởng Ban Quản lý Nguồn Nhân lực Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu

Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, ông Đặng Ngọc Quân – Phó trưởng Ban Quản lý Nguồn Nhân lực Tập đoàn Dệt May Việt Nam giới thiệu bức tranh toàn cảnh nhu cầu và đòi hỏi về lao động có trình độ tin học, tiếng Anhtrong lĩnh vực Dệt May tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Bà Ngô Thị Thu Giang,Trưởng khoa Tin học, Ngoại ngữ giới thiệu chuẩn đầu ra và lộ trình đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh, Tin học của Nhà trường

Đại diện khoa Tin học, Ngoại ngữ – Bà Ngô Thị Thu Giang đã công bố chuẩn đầu ra và lộ trình đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh, Tin học của nhà trường. Theo đó, sinh viên đại học và cao đẳng nhập học năm 2016 của Trường phải đạt bậc 3 trình độ tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và đạt kĩ năng sử dụng Công nghệ thông tin ở mức cơ bản. Sinh viên đại học nhập học từ năm 2017 sẽ phải đạt chuẩn quốc tế TOEIC và IC3 theo quy định.

SV nhà trường tham gia ý kiến trong phần thảo luận

Hội thảo cũng đã giải đáp nhiều ý kiến của HSSV với lãnh đạo nhà trường, chuyên gia IIG Việt Nam và nhà tuyển dụng về các chứng chỉ TOEIC, IC3, công cụ bổ trợ học tập Anh ngữ EDO, cách làm bài thi TOEIC, IC3, xây dựng kế hoạch học tập tiếng Anh- Tin học để đạt chuẩn đầu ra sau tốt nghiệp…vv

Hội thảo “Triển khai đào tạo tiếng Anh, Tin học theo chuẩn Quốc tế” đã đem tới một định hướng đúng đắn và chính xác giúp các bạn sinh viên trong việc học tập và định hướng nghề nghiệp cụ thể hơn cũng như hiểu biết về quy trình tuyển dụng nhân sự, những giải pháp nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trong môi trường hội nhập.Hội thảo cũng  đã chỉ ra các giải pháp đào tạo và học tập hết sức khả thi giúp sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nhanh chóng tiếp cận được với chuẩn quốc tế TOEIC và IC3.

Một số hình ảnh tại Hội thảo và Lễ ký kết:

Tags

MOU
Sanako
Xem thêm
TOEFL
Xem thêm
TOEFL Challenge
Xem thêm
Cuộc thi MOSWC
Xem thêm
Hội thảo
Xem thêm
Các cuộc thi
Xem thêm
Quy định và Thông báo
Xem thêm
Tin bài khác
Xem thêm
Chương trình Tìm kiếm ngôi sao ACP